Sinh viên năm cuối nên học khóa tester ngắn hạn nào?

Chia sẻ những kinh nghiệm test, chuyện vui buồn của Tester Việt nam
Post Reply
tvn
Admin
Posts: 4900
Joined: Tue 10 Aug, 2010 10:11 am
Location: HCM
Contact:

Sinh viên năm cuối nên học khóa tester ngắn hạn nào?

Post by tvn »

Bài viết này nhằm tư vấn cho các bạn sinh viên năm cuối hoặc vừa tốt nghiệp, giúp các bạn chọn lộ trình phù hợp để phát triển nghề nghiệp theo hướng kiểm thử phần mềm. Tư vấn này dành cho cả các bạn học chuyên ngành Công nghệ thông tin và ngành khác (trái ngành).

Dành cho các bạn học trái ngành

Nếu bạn là sinh viên năm cuối hoặc vừa mới ra trường, nhưng ngành học của bạn không liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT - hay gọi chung là IT) và bạn muốn làm tester. Trước tiên bạn phải đặt câu hỏi này cho bản thân mình: tại sao không tìm việc đúng chuyên môn của mình?

Sau khi đắn đo, suy nghĩ trả lời cho câu hỏi trên, bạn có thể tìm thấy được nhiều điều thú vị, bổ ích cho bản thân. Và kết quả có thể là bạn quyết định (1) tìm công việc theo đúng chuyên môn của mình. Hoặc có thể là vẫn (2) muốn làm tester.

Nếu câu trả lời của bạn là (2) thì câu hỏi tiếp theo cho bạn là "mình sẽ bắt đầu từ đâu?" Trước tiên, bạn nên quay ra hỏi "người xúi bạn làm tester" (mình tin chắc rằng phải có một người nào đó tư vấn cho bạn nên chuyển hướng sang làm tester.) là họ sẽ giúp được gì cho bạn nếu bạn đồng ý đi theo con đường tester trong khi học trái ngành. Người này sẽ phải bỏ thời gian để hổ trợ thêm cho bạn. Không phải dạy cho bạn về kiểm thử, hoặc là kiến thức cơ bản về lập trình hoặc về máy tính, mạng máy tính, v.v... nói chung là sẽ hỗ trợ cho bạn để bổ sung kiến thức về CNTT. Bạn có thể tự học tester theo lộ trình mà mình đã gợi ý ở đây, hoặc chia sẻ của mình về thắc mắc Học xong khoá tester ngắn hạn có đi làm được không?

Trong thời gian này, bạn không nên suy nghĩ quá nhiều. Ví dụ như, mình nên làm manual tester hay automation tester? Làm sao để trở thành test leader? Sau một thời gian làm tester, mình sẽ phát triển theo hướng BA, PM hay Test leader? Bây giờ quá sớm để bạn nghĩ về những vấn đề này, bởi lẽ, nếu bạn suy nghĩ quá nhiều thứ như vậy nó sẽ làm xao nhãng mục tiêu chính của bạn. Bạn chỉ nên tập trung vào câu hỏi "học gì để làm tester?"

Với trường hợp này, đã có nhiều bạn đã hỏi mình rằng nên tham gia lớp Fresher Tester hay ISTQB CTFL? Mình luôn trả lời rằng "bạn nên học lớp Fresher Tester." Có nhiều lý do cho việc chọn lựa này. Trong đó, cơ bản là lớp Fresher Tester là lớp ngắn hạn (2 tháng = 24 buổi x 90 phút) tập trung vào kiến thức nền tảng cơ bản (tư duy của tester và các kỹ thuật thiết kế test case quan trọng) + thực hành kiểm thử trên một số website + thao tác trực tiếp với SQL + thực hành kiểm thử ứng dụng Windows và API (tham khảo thêm API testing là gì?).

Đối với các bạn sinh viên chuyên ngành CNTT thì sao?
Lựa chọn của các bạn tương đối dễ dàng hơn. Nếu bạn học ngành không liên quan đến Phát triển phần mềm (ví dụ như mạng máy tính, điện tử viễn thông, phần cứng, quản trị hệ thống thông tin), thì nên học lớp Fresher Tester. Nếu bạn học chuyên ngành phần mềm và trong Trường bạn chưa được học môn kiểm thử phần mềm, thì bạn cũng nên tham gia lớp Fresher Tester. Sau cùng, nếu bạn học chuyên ngành phần mềm và đã được học kiểm thử phần mềm (ít nhất 1 học kỳ - nhập môn kiểm thử phần mềm) thì bạn nên học lớp ISTQB CTFL.

Lớp ISTQB CTFL sẽ trang bị cho bạn kiến thức tổng quát về kiểm thử phần mềm. Kiến thức của nó rộng và bao trùm nhiều khía cạnh, từ qui trình kiểm thử, kiểm thử tĩnh, kiểm thử động, cho đến công việc quản lý kiểm thử phần mềm. Sẽ khó cho bạn để có thể nhớ và lĩnh hội hết nội dung của nó trong một khoá học 2 tháng (8 ngày CN = 16 buổi x 3 tiếng) nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu nhiều vấn đề trong môi trường làm việc thực tế (qua những câu chuyện chia sẻ của tvn theo từng trường hợp. Mình tin chắc rằng sau khoá học, bạn sẽ không nhớ hết nội dung đề cương ISTQB nhưng bạn sẽ không quên những câu chuyện kinh nghiệm mà mình đã chia sẻ)

Ngoài ra, lợi thế của các bạn là "vẫn còn nhớ" lập trình. Theo đúng nghĩa đen luôn, ý mình là các bạn chưa trả lại hết cho Thầy Cô. Bạn có thể tham gia lớp Automation Tester để phát triển sự nghiệp theo con đường kiểm thử tự động. Yêu cầu bạn phải biết lập trình một số ngôn ngữ nhất định nào đó. Những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong kiểm thử tự động là Java, .Net và Python. Các lớp học kiểm thử tự động kể cả API Automated Test thì TESTING VN vẫn chỉ sử dụng ngôn ngữ java để giảng dạy. Nên nếu bạn nào muốn tham gia các khoá học này thì phải ôn lại java hoặc tham gia lớp học Java for testers

Nhưng có một hạn chế, nếu ngay từ đầu bạn đi theo hướng này mà không nắm vững tuy dư và kiến thức cơ bản về kiểm thử phần mềm thì sau này sẽ khó phát triển xa hơn. Theo thống kê của mình, những bạn làm kiểm thử tự động mà có kinh nghiệm manual tester (kiến thức về kiểm thử phần mềm) sẽ dễ phát triển lên cao hơn, cả vị trí lẫn tiền lương.

Trên đây là tập hợp một số thông tin và ý kiến của mình trong quá trình tư vấn các học viên, giúp họ định hướng và xác định con đường sự nghiệp của họ. Với mong muốn, chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm của mình nhằm giúp giải đáp những thắc mắc tương tự. Mình rất hoan nghênh những đóng góp, chia sẻ của các bạn.

Nếu cần tư vấn thêm, các bạn có thể liên hệ hoangliensonmt (Skype) hoặc 090 942 6181 (Sơn).



Post Reply

Return to “Góc chia sẻ kinh nghiệm của Tester Việt nam”